TRANG VĂN HÓA- LỊCH SỬ

Tình Chiến Hữu

Tác giả: Dương Đại Trường
Thể loại: Truyện ngắn

      Nó có khuôn mặt với làn da hơi sần sùi, giọng nói "chả chẹt" mang âm hưởng Miền Bắc nặng trệt. Khi mới lần đầu tiếp xúc với Nó, nghe giọng nói thật là đáng ghét lắm! Nhưng quen nhau lâu rồi thì giọng nói trở thành thân mến khi tiếp chuyện với Nó. Tôi quen Nó từ ngày nhập ngũ vào quân trường Thủ Đức, cùng chung khóa sinh với Nó. Tình bạn giữa Tôi và Nó đúng y như lời nhạc trong nhạc phẩm Nó và Tôi của Song Ngọc-Vọng Châu:
- Tôi, Nó sinh ra nhằm chinh chiến mới quen nhau mà thương mến. Nó quê ngoài kia từ lâu lắm chưa lần về. Ngày Tôi gặp Nó nét đăm chiêu đêm nhập ngũ, thấy thương nhau nhiều quá!
      Thuở đó, Nó may mắn hơn Tôi vì nhờ có gốc Bắc Kỳ Di Cư vào Nam và gia đình giàu có nên khi rời quân trường Thủ Đức thì Nó được người nhà gởi gấm thượng cấp về Sài Gòn làm việc, còn Tôi thì vai ba-lô về khu chiến nghe lòng buồn hiu! Mặc dù khi ra đơn vị hai thằng tuy xa cách nhau, kẻ thành đô người hỏa tuyến, nhưng cứ vài tháng là hẹn nhau ở Sài Gòn rong chơi thành phố. Vốn dĩ  Tôi là lính trận miền xa, hiếm khi có dịp lấy phép về  Sài Gòn, nên mỗi lần được phép thì Tôi mãi mê ham chơi mà quên kỳ hạn giấy phép! Vì thế có một lần giấy phép quá hạnTôi bị mấy ông Quân Cảnh hốt về nhốt trong container, chờ đơn vị lên lảnh về! Nhưng Nó nghe được tin Tôi bị bắt, với gốc gác gia đình quen lớn, Nó đến thẳng đồn Quân Cảnh lảnh Tôi về nhà.
       Chiến tranh mỗi ngày khốc liệt, Tôi miệt mài hành quân nơi vùng xa xôi Miền Tây của đất nước nên lắm khi hơn một năm mà chúng tôi chưa hề gặp nhau! Một hôm, sau những ngày hành quân vất vả nơi vùng U Minh, được trở về hậu cứ dưỡng quân thì Tôi nhận được thư của Nó, nội dung kể về mối tình của Nó với cô sinh viên sư phạm Sài Gòn. Giờ đây, cô sinh viên ra trường và được bổ nhiệm về dạy học ở trường Nữ Tiểu Học Mỹ Tho, gần nhà của Tôi. Trong thư Nó cũng nêu lên ý định lập gia đình với cô sinh viên nầy, xem như thuyền tình của Nó có bến đỗ! Khi đọc thư xong tôi nhớ lại, có lần Nó kể với Tôi:
- Tao quen cô nầy đã lâu, từ ngày cô ta mới bước vào trường đại học cho đến bây giờ....
     Nghe Nó nói, Tôi chận lời:
- Mầy có ý định cưới cô ta làm vợ không ?
        Nó đưa tay gãi nhẹ vào đầu, cười trả lời:
- Chuyện chẳng đặng đừng! Cô ta đã có thai!
    Tôi trố mắt nhìn Nó:
- Sao mầy không bảo cô ta "kế hoạch".?
- Có chứ! Nhưng bị vở kế hoạch!...
       Một tuần lể nghỉ dưỡng quân đã qua, đơn vị củaTôi lên đường hành quân vùng Chương Thiện, giải tỏa áp lực cộng quân bao vây chi khu Đức Long. Sứ mạng hoàn thành, đơn vị Tôi trở về hậu cứ và Tôi nhận được thiệp hồng của Nó. Tôi vội mở ra xem, ngày ghi trong thiệp mời cận kề quá, chỉ còn hai ngày nữa là tới ngày đám cưới của nó. Vì vậy Tôi không kịp xin phép thượng cấp để về tham dự tiệc cưới! Thế là Tôi đã bỏ nhở ngày vui lớn nhất trong đời của Nó!
      Kể từ dạo ấy Tôi và Nó biệt tăm nhau cho tới ngày giã từ vũ khí! Sau ngày tàn chinh chiến, Tôi cứ nghĩ Nó đã theo dòng họ di tản sang Hoa Kỳ. Nhưng nào ngờ tháng trước đây Tôi gặp Nó trong buổi tiệc cưới con của người bạn cùng khóa quân trường Thủ Đức với Tôi, tổ chức ở thành phố Adelaide, tiểu bang Nam Úc. Suốt trong buổi tiệc, hai thằng ngồi kề nhau nhắc chuyện xưa mà quên ăn uống cho đến khi tàn tiệc! Qua chuyện trò, tôi mới biết Nó vẫn còn kẹt ở lại quê nhà và chấp nhận sống trong chế độ cộng sản Việt Nam cho tới bây giờ. Lý do mà Nó có mặt trong tiệc cưới hôm nay, bởi vì cô dâu là con gái của thằng em ruột Nó, cô dâu gọi Nó bằng bác. Với quan hệ họ hàng nên Nó được vào nước Úc theo diện "Du lịch" tham dự lễ cưới của đứa cháu.
        Giờ đây, tình cờ gặp nhau trên đất khách quê người, sau hơn 30 năm xa cách, hai mái đầu xanh ngày nào đã ngã màu sương điểm. Mặc dù Tôi và Nó cùng lứa tuổi với nhau, nhưng trông Nó già dặn hơn Tôi và gương mặt hằn nét khắc khổ! Tàn tiệc, trước khi ra về, Tôi mời Nó đến nhà tôi một lần cho biết gia cảnh Tôi, có thời giờ tâm sự với nhau, kể cho nhau nghe những thăng trầm đời người sau hơn ba mươi năm xa cách, kẻo khi Nó về lại Việt Nam thì hiếm có cơ hội gặp lại được..
       Mấy tuần sau, thằng em chở Nó đến nhà Tôi chơi. Tôi mời Nó ngủ lại nhà Tôi một đêm để hai đứa có nhiều thì giờ tâm sự. Hôm nay, hai thằng ngồi nói chuyện cho đến trời khuya, kể chuyện ngày xưa trong quân ngũ và nhâm nhi hết một chai Hennessy nhưng vẫn chưa làm ấm được thân thể vì bên ngoài cơn gió rét mùa đông đang thổi về, mang thêm băng giá cho đời lữ khách! Nó kể về cuộc đời binh nghiệp của Nó cho Tôi nghe, chẳng có gì sóng gió và cũng chưa một lần xông pha chiến trường lửa đạn. Còn Tôi thì đã bao phen đối diện với tử thần, giầy sô Tôi đi hằn trên lá cỏ và đôi chân bết bùn đất hành quân khắp vùng IV chiến thuật ! Từ đầu sông Tiền đến cuối sông Hậu, từ Long An, Đồng Tháp đến Chương Thiện, Cà Mau... Sương gió chiến trường đã làm bạc màu bờ vai áo trận mang huy hiệu sư đoàn 21 Bộ Binh có biệt danh là Tiếng Sét Miền Tây nghe rất oai phong lẫm liệt! Ngày đó, tuổi quân của Tôi được bắt đầu từ ngày bỏ áo thư sinh theo tiếng gọi núi sông lên đường nhập ngũ vào quân trường Thủ Đức và khi ra trường  được bổ nhiệm về sư đoàn 21 Bộ Binh, thời tướng Lê Văn Hưng làm tư lệnh, đánh giặc cho tới ngày tàn cuộc chiến, giã từ vũ khí trong niềm uất hận nghẹn ngào: Tháng tư gãy súng!!!!
      Đã lâu rồi chúng tôi mới gặp lại nhau! Giờ đây tính tình Nó vẫn như xưa, không có gì thay đổi: Khi trà đàm rất ít nói chuyện, nhưng khi rượu vào thì lời ra, nói tràn giang đại hải. Đêm nay nơi phòng khách nhà Tôi, Nó lè nhè trong hơi men kể chi tiết cho Tôi nghe về cuộc đời của Nó:
- Tao thì được đẻ bọc điều! Từ nhỏ đã sung sướng được gia đình cho vào học trường Tây. Khi vào lính chưa một lần đi hành quân diệt giặc! Nghĩ lại, đời tao có số sung sướng! Năm xưa, những chiều cuối tuần, hầu như tao có mặt ở các vũ trường một thời danh tiếng nơi Hòn Ngọc Viễn Đông như: Maxim, Ritz, Crystal.. Tao ném tiền qua cửa sổ mà chẳng hề quí tiếc!
     Tôi ngồi dựa lưng vào ghế salông, nhắm mắt suy nghĩ, nghe Nó kể mà luyến tiếc dùm cho quá khứ một thời ngang dọc của Nó, về những ngày tháng ăn chơi phóng đãng ở Sài Gòn hoa lệ. Thỉnh thoảng Tôi hí mắt lén nhìn cái khuôn mặt sần sùi mang đầy vết sẹo của mụn nhọt thời dậy thì mà thầm phục Nó. Nghe Nó kể đến những vũ trường Sài Gòn, Tôi hỏi:
- Mầy có mối tình nào với vũ nữ không? Kể cho Tao nghe?
       Nó nhe răng cười, để lộ những chiếc răng sếu sáo tuổi già, kể với Tôi:
- Vũ nữ thì Tao cặp bồ hằng lố! Tao chỉ chơi qua đường, không có mối tình nào lưu luyến. Nhưng có mối tình mà tao yêu thầm nhớ trộm suốt đời là cô gái giang hồ với cái biệt danh nghe u buồn đại dương với ngàn giọt lệ rơi thành dòng: Lệ Hải! Mầy có nghe danh cô gái nầy không?
      Nghe Nó nhắc đến biệt danh Lệ Hải, Tôi chợt nhớ ra mỹ nhân giang hồ nầy đã một thời vang danh nơi đất Sài thành, lúc đó Tôi mới chập chửng theo bậc đàn anh vào nghề báo chí, viết truyện ngắn kiếm tiền nhuận bút để uống cafê qua ngày. Tôi nhìn Nó, tò mò hỏi:
- Mầy quen với Lệ Hải?
- Tao quen thân với cô nàng nầy nhưng không trở thành người tình với nhau, vì lúc đó Lệ Hải đã làm vợ của Đại Ca Thay!
     Nó cúi đầu nhớ lại quá khứ cuộc đời rồi kể cho Tôi nghe về cuộc tình chưa đỗ bến của Nó với Lệ Hải:
- Thuở ấy mầy làm báo chí, chắc còn nhớ về một mỹ nhân giang hồ khét tiếng một thời của Sài Gòn? Cô ta tên là Vũ Thị Bảo, xuất thân trong một gia đình gia giáo, trâm anh thế phiệt. Từ nhỏ Vũ Thị Bảo đã được cha mẹ gửi vào học chương trình Pháp tại những ngôi trường nổi tiếng thời đó: Marie Curie, Couvent Des Oiseaux Đà-Lạt... Thế nhưng, lấy xong bằng tú tài I, cô bỏ học và kết thân với các công tử ăn chơi ở Sài Gòn. Khi đến tuổi cập kê, tuổi 17 bẻ gãy sừng trâu, Lệ Hải đã tiếp cận Đại Cathay và bổng chốc làm tình nhân của đại ca giang hồ này. Những năm sau đó, cô trở thành một bà trùm bảo kê một số vũ trường và những ổ điếm ở Sài Gòn-Chợ Lớn....
      Nó kể đến đây, Tôi nhớ lại chuyện xưa khi mới vào làm phóng viên báo chí đặc trách chuyên mục xã hội, dạo ấy giới truyền thông Sài Gòn thi nhau săn tin về cô gái giang hồ gốc gác là tiểu thư đài các của gia đình vọng tộc.Tôi xen vào kể thêm:
- Tao nhớ rồi! Với nét đẹp kiêu sa của tuổi xuân thì phơi phới, Lệ Hải thời đó đã dùng mỹ nhân kế để hợp tác với những tên cướp lì lợm và gan dạ như Minh Đen, Bình Toyota...Thực hiện những vụ cướp chấn động Sài Gòn: Vụ cướp đền Sòng Sơn, làm tiền thằng Hoàng Kim Lân háo sắc con của đại gia vua kẽm gai Hoàng Kim Quy, lúc bấy giờ là thượng nghị sĩ của quốc hội Việt Nam Cộng Hòa...
       Nhắc về một thuở Sài Gòn, lòng Tôi dâng lên khoảnh khắc bùi ngùi cho thời đại đã qua. Mới đây mà đã gần bốn thập niên trôi đi trong những thăng trầm thế sự! Kẻ nam người bắc, Tôi đông Nó tây, bạn bè thằng ra đi tìm được tự do đứa ở lại quê hương tủi buồn thân phận!.... Rồi ba mươi mấy năm sau , tình cờ trên đất khách gặp nhau, hai thằng ngồi ôn lại chuyện xưa nhạt nhòa trong lớp bụi thời gian phủ trùm vùng trời kỷ niệm! Nó hơn Tôi ở quá khứ cuộc đời: Một quá khứ của Nó ẩn hiện những hình ảnh ngang dọc của thằng con nhà giàu ăn chơi phóng túng. Còn Tôi, vùng ký ức chan chứa những hình ảnh chinh nhân, hình ảnh quê nghèo bên bờ sông Cửu Long gió ngàn lồng lộng và chập chùng đau thương dĩ vãng!
        Tôi đang thả hồn đi tìm thoáng hương xưa cuộc đời, đi tìm những kỷ niệm thân thương lần lượt rủ nhau về hiện tại. Bổng Nó quay sang nói nhỏ vào tai Tôi:
- Mầy biết tại sao tao không đi theo diện HO sang Hoa Kỳ không?
     Tôi lắc đầu:
- Ai biết!
         Nó nhịp chân, chậm rải kể bí mật cuộc đời Nó cho Tôi nghe:
- Sau ngày 30/4/1975, gia đình tao là gốc gác Bắc Kỳ nên có mấy người anh họ làm lớn trong chính quyền Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Vì vậy tao đi học tập cải tạo được mấy tháng thì ông anh họ vào Miền Nam bảo lảnh tao khỏi phải học tập cải tạo. Khi lảnh tao ra khỏi tù, ông anh họ sửa đổi lý lịch Ngụy quân của tao và đưa vào làm việc cho cơ quan ông ấy. Với trình độ học vấn của Tao và thông thạo Anh ngữ, ông anh họ cho giữ chức vụ: Trưởng phòng hành chánh. Vì thế, tao mang ơn mưa móc ông anh họ mà phải ở lại Việt Nam cho tới bây giờ. Khi có chương trình HO của chính phủ Hoa Kỳ, nhiều lần tao định nộp hồ sơ Ngụy quân để xin đi Hoa Kỳ, nhưng suy nghĩ lại sợ làm ảnh hưởng đến quan điểm chính trị của ông anh họ nên tao cam phận ở lại quê hương!
       Tôi nghe Nó giải bày tâm sự, thấu hiểu được nỗi lòng của Nó, gật đầu thông cảm:
- Mầy đáp lại ân tình của anh họ, rất phải đạo làm người! Bởi vì hoàn cảnh lúc tụi mình bị bắt đi học tập cải tạo, khổ đau chồng chất... Mầy có người bảo lảnh khỏi cảnh tù đày thì ơn nghĩa đối với họ không có gì sánh bằng!
       Nhắc tới đây Nó thở dài rồi trút hết nỗi niềm riêng:
- Tưởng rằng tao đã được an phận làm việc cho chế độ cộng sản Việt Nam đến ngày tuổi già hưu trí, tàn hết kiếp người. Nào ngờ, tai ương đến với tao, ông anh họ đột ngột qua đời vì bạo bịnh, người kế vị lên thay thế, vì có tư thù với anh họ nên tao bị hắn cho nghỉ việc! Đến lúc nầy, tao định nộp đơn xin đi diện HO sang Mỹ, nhưng chương trình đã bị ngưng, đúng là tao vướng số con rệp!!!
        Tôi vẫn ngồi im lìm, dựa vào lưng ghế nghe Nó nói, thầm nghĩ hoàn cảnh mà tội nghiệp cho Nó! Nếu nói về số mệnh thì con người ai cũng phải một lần trải qua thăng trầm sóng gió trong cuộc đời. Với Nó, từ khi Tôi quen biết Nó, chưa được nghe Nó than thở về cuộc đời, thì bây giờ đã đến lúc Nó đối diện thực tế gian khổ, từ đây Tôi mới nghe được tiếng than vản của Nó! Ngày xưa, cứ mỗi lần gặp Nó là Tôi hay phân bì và trách móc đấng tạo hóa không công bình cho con người hiện hữu trên cuộc đời! Người nầy kẻ nọ, người giàu sang kẻ nghèo khổ. Đôi lúc sự trách móc và so sánh đã làm cho Tôi trở nên ích kỷ và ganh tị với Nó. Hôm nay Tôi mới hiểu được qui luật của tạo hóa dành cho con người có sự công minh và bù trừ!...
     Tôi đang suy ngẩm về triết lý tạo tóa, Nó tưởng Tôi ngủ gục, đánh tiếng:
- Mầy ngủ rồi hả!
- Chưa! Tao đang nghĩ về thuyết nhân quả của nhà Phật.
      Nó là người Công Giáo nhưng khi nghe tôi đề cập đến triết lý Phật Giáo, Nó gật đầu:
- Thuyết nhà Phật cũng dạy chúng sinh biết cách làm người: Làm tôi phải trung, làm con phải hiếu, làm bạn phải có nghĩa khí với nhau. Giống như cụ Doanh Điền Sứ cũng đã dạy: Có trung hiếu mới đứng trong trời đất...
      Ngưng giây lát, Nó nói trong hối tiếc:
 - Nếu trước kia tao xin đi Hoa Kỳ theo diện HO thì bây giờ cũng được sống trong đất nước có tự do và dân chủ, cũng được gọi là Việt Kiều! Suốt hơn ba thập niên trôi qua sống dưới chế độ cộng sản, con người hình như bị mất tất cả: Mất tình người, mất nghĩa khí và mất tự do....
      Vừa nghe Nó nhắc hai chữ "nghĩa khí", Tôi ngắt lời Nó:
- Tìm được một người bạn có nghĩa khí và có chân tình thật rất khó! Sự khó khăn ví như người đi trên sa mạc tìm nguồn nước uống!
- Ừ! Sống dưới chế độ vô thần thì làm sao con người có cái tâm để làm chuẩn mà hướng thiện được? Huống chi đối xử có nghĩa khí với nhau!
       Nghe Nó nói Tôi phân tích thêm:
- Không những trong xã hội Việt Nam, mà ngay cả người Việt ở ngoại quốc cũng vậy. Bởi vì bản chất của dân tộc Việt Nam có cái "tôi" quá lớn, không giống như người Tây phương có lòng vị tha và khách quan trong sinh hoạt!!! Tao lấy bằng chứng điển hình trong sinh hoạt cộng đồng Việt Nam ở thành phố Adelaide nơi tao cư ngụ: Một ông bác sĩ vì muốn kiếm danh cho mình mà phải tham lam gánh vác hàng lố chức vụ chủ tịch, ủy ban, hội trưởng... Ông ta chỉ mong sao chính quyền Úc biết đến ông ta có nhiều chức vụ để cấp cho ông ta cái huy chương OAM, nhằm mục đích khoe khoang với người đời! Thêm một ông nữa xưng là đại gia xứ rẩy vùng Virginia, ngày xưa sợ chết nên gia đình lo lót vào làm lính kiểng, tháng ngày chỉ rong chơi thành phố và dụ dỗ những phụ nữ nhẹ dạ, sập bẫy tình của hắn. Khi vượt biển được tới Úc thì vổ ngực xưng hùng xưng bá, hô hào chống cộng bằng mồm, chữ nghĩa chưa đầy lá mít mà cũng làm đến chức tổng giám đốc Sài Gòn Press, chủ nhiệm cơ quan truyền thông ở Nam Úc...v..v....
         Nó hình như hiểu được tất cả những tệ trạng trong sinh hoạt cộng đồng Việt Nam ở hải ngoại. Nó gật đầu rồi nói:
- Tuy tao ở Việt Nam nhưng cũng được nghe và hiểu biết nhiều về những tranh chấp chức vụ hư danh trong sinh hoạt cộng đồng người Việt Nam ở hải ngoại, gây chia rẻ phe nhóm, nhất là trong các hội đoàn thuộc về cựu quân nhân Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (QLVNCH)! Đến nỗi có một nữ ca sĩ về Việt Nam tuyên bố trên truyền hình trong nước, bôi bát những tổ chức người Việt ở ngoại quốc. Chẳng hạn như cô ta đánh giá hội cựu quân nhân QLVNCH ở hải ngoại: Thực chất chỉ là những nhóm người xúm nhau ăn nhậu rồi đấu đá nội bộ để tranh giành chức vụ ảo tưởng!
        Nói đến đây Nó quay nhìn Tôi hỏi:
- Mầy nhận xét những lời của cô ca sĩ đó nói đúng không?
- Vì một con sâu làm rầu nồi canh! Hiện nay, hầu như gần hết những tổ chức đấu tranh, hội, đoàn thể đều bị ảnh hưởng nghị quyết 36 của cộng sản Việt Nam, rơi vào thực trạng phân hóa trầm trọng!
- Riêng ở Nam Úc thì sao?
        Nó hỏi Tôi một câu rất hiện thực! Tôi cúi mặt suy nghĩ rồi trả lời thật theo lương tri con người:
- Hội cựu quân nhân QLVNCH ở Nam Úc, hiện thời do ông có hàm bác sĩ làm chủ tịch, đã đưa hội vào tình trạng chia rẻ nội bộ. Nếu không củng cố kịp thời sẽ bị tan rả!!!.. Còn về tình trạng man khai lý lịch, cũng không ít những ông cựu quân nhân khai gian sĩ quan: Binh nhì khai lên thiếu tá, có đứa mua giấy học tập Cải Tạo để ăn tiền cựu chiến binh... Nhưng điều đáng buồn nhất là có những thành phần đội lốt quân nhân Việt Nam Cộng Hòa để làm Việt Gian cho cộng sản, những kẻ đó đáng bị người đời nguyền rủa! Tại Nam Úc, có một cơ quan truyền thông do nhóm người yêu nước bằng mồm lập ra và điều hành. Sau một thời gian làm ăn khấm khá, bọn họ bị mua chuộc bằng tiền bạc nên quảng cáo cho công ty hàng không quốc danh Việt Nam Airlines. Trong poster quảng cáo có chiếc máy bay mang hình cờ đỏ sao vàng phía sau đuôi đã được ông tổng giám đốc Sài Gòn Press của tờ báo cho đăng ngay trang đầu, ròng rả suốt cả sáu tháng trời: Cờ đỏ tung bay giữa phố giữa phường nơi thủ phủ Nam Úc!!. Và chẳng thấy phản ứng của ông chủ tịch hội cựu quân nhân QLVNCH ra sao!
      Nghe Tôi nói về thực trạng trong sinh hoạt hội đoàn, Nó nói an ủi cho chính nình:
- Như vậy tao ở lại Việt Nam và làm việc cho chế độ cộng sản, không đến nỗi có tội lỗi với chính thể VNCH! Tao mong hồn thiêng sông núi xét soi lòng trung của tao.
- Mầy làm việc cho cộng sản Việt Nam vì hoàn cảnh, vì miếng cơm manh áo... Những kẻ ở hải ngoại ăn cơm Quốc Gia ma thờ Cộng Sản mới là những kẻ phản bội!
      Nhìn chiếc đồng hồ treo tường kim chỉ 1 giờ sáng. Tôi đi vào phòng ngủ, vẩy tay chào Nó:
- Good night!
        Sáng Tôi thức dậy sớm hơn mọi khi, còn nằm nán lại trên giường, đưa mắt nhìn ra ngoài ngắm hàng cây trơ trụi lá, nép mình bên hàng rào, sương đêm còn ướt đẩm cành cây. Tôi thầm nghĩ, lại một mùa đông giá lạnh trở về trên thành phố Adelaide. Đây là mùa đông thứ 38, Tôi đã rời xa quê hương làm người phiêu bạt tha phương cầu thực! Thời gian thấm thoát như thoi đưa, trôi đi thật nhanh, nhanh như những gì mình đã mất! Rồi khi ta chợt giật mình nhìn lại, con sóng thời gian đã vùi lấp bao kỷ niệm dạt dào của đời người, bao tháng ngày rong chơi trên đường phố bên người yêu áo trắng học trò... Sáng nay, Tôi bổng nhớ trường xưa, nhớ những buổi sớm mai đạp xe đến trường, nhớ những nẻo đường quê hương đã nhiều lần đưa bước chinh nhân hành quân bảo vệ đất nước! Còn đâu nữa, những buổi trưa hè, trời trong xanh cao vút đưa làn gió nhẹ thoáng qua mang theo tiếng ve sầu từ xa vọng lại. Thuở ấy vào giờ ra chơi Tôi thường ngồi trên thềm đá trước sân trường, kể cho bạn bè nghe mối tình đầu vừa mới chớm nở. Tôi cũng nhớ dòng sông quê chạy quanh co theo những thửa ruộng phía sau nhà, nước lững lờ trôi mang theo vài cụm lục bình khoe những đóa hoa màu tím nhạt, phơi phới dưới nắng chói chang trưa hè. Dòng sông đó vẫn im lìm để cho mùa hạ đi qua, mùa thu không vấn vương sầu nhớ và mặc cho mùa đông mang giá lạnh về! Tôi vẫn nhớ những ngày mùa đông trên quê hương: Gió heo may từ phương bắc lành lạnh thổi về, báo hiệu mùa xuân sắp đến... Và khi đó Tôi dâng lên trong lòng nôn nao chào đón xuân về để viết lên tờ Bích Báo treo trên tường những bài thơ nét chữ nghiêng nghiêng màu mực tím!
       Tôi ra khỏi phòng ngủ, xuống nhà bếp đun nước pha cafê, đến cửa phòng của Nó nói vọng vào:
- Mầy thức dậy chưa! Uống cafê rồi chúng ta đi tham quan hảng rượu vùng Barossa Valley... Mầy uống cafê đen hay sửa?
       Từ trong phòng Nó trả lời :
- Cafê đen. Tỷ lệ một muỗng  cafê hai muỗng đường.
       Ăn điểm tâm xong, Tôi lái xe chở Nó đi tham quan những hãng làm rượu nho ở Nam Úc. Trời mùa đông nên đã hơn 10 giờ mà con đường lên Barossa Valley vẫn còn sương mù che phủ vài đoạn bên sườn núi. Nó ngồi ghế trước bên cạnh Tôi, nhìn phong cảnh hai bên đường, nhắc phong cảnh quê nhà:
- Phong cảnh nơi nầy giống đường lên Đà Lạt. Đoạn đường đèo Bảo Lộc, từ miếu Ba Cô đến thành phố Đà-Lạt.
- Mầy nói đúng!
      Nghe Nó nhắc đến miếu Ba Cô, Tôi tìm hiểu về sự linh thiêng của ba người trinh nữ:
- Oan hồn của ba cô gái bị tai nạn chết mấy mươi năm về trước, nghe đồn linh thiêng lắm hả?
- Rất linh thiên!
      Nó chậm rải kể cho Tôi nghe câu chuyện về cái chết thảm của ba cô gái nữ sinh:
- Chuyện kể rằng: Trước đây có ba cô gái tên là Loan - Hòa - Thảo, là người dân miền đất Bảo Lộc và cả ba cô đều là sinh viên đang học tại Sài Gòn. Mùa hè đến, ba cô đi về thăm quê trên chiếc xe gắn máy, chạy tới khúc cua này xe bị lạc lái nên lao xuống vực sâu tử nạn. Không lâu sau đó có một đòn khách du lịch lên Đà Lạt, xe chạy tới khúc quanh này thì cũng bị lật xe và lao xuống vực thẳm. May mắn thay trong chiếc xe ấy còn sống sót một chàng thanh niên. Trong hôn mê, chàng trai thấy mình được ba cô gái dìu dắt đến tận đường lộ. Đến khi tỉnh dậy, chàng trai thấy mình nằm trong bệnh viện nhưng không thấy ba cô gái kia đâu. Chàng trai miêu tả lại hình dạng ba người con gái đã dìu anh lên mặt đường thì rất giống với ba cô gái bị tử nạn lúc trước. Người ta cho rằng vì chết quá trẻ và còn trinh trắng nên oan hồn của ba cô gái lúc trước cứ vất vưỡng nơi chân đèo và khi gặp trường hợp tai nạn tương tự nên đã hiển linh giúp đỡ chàng trai trẻ thoát chết. Từ sự linh thiêng nầy, dân làng nơi đây đã lập một ngôi miếu nhỏ bên chân đèo để cầu siêu cho linh hồn của những người chết oan vì tai nạn xe cộ và nhất là oan hồn của ba cô gái trẻ, và cầu an cho những khách bộ hành khi đi ngang qua đoạn đường đèo này! Từ đó tai nạn xe cộ trên đoạn đường nầy cũng giảm bớt. Kể từ khi lập miếu thờ người ta không còn thấy ba cô hiện ra nữa ...
       Câu chuyện vừa kể xong, cũng là lúc Tôi và Nó đến hãng rượu Barossa Chateau,  khi trời đã đúng trưa. Tôi hướng dẫn Nó tham quan một vòng hãng rượu rồi vào nhà hàng đãi cho Nó bửa ăn trưa theo thức ăn của người Úc. Đây cũng là lần đầu tiên Nó được thưởng thức món ăn Úc: Fry fish and chips và uống rượu vang sản xuất tại Barossa Valley, rượu vang nổi tiếng trên thế giới của Úc hiện thời.
       Buổi trưa mùa đông nơi Barossa Chateau hôm nay có chút nắng ấm và hanh nên nhiều du khách đến tham quan. Bên ngoài nhà hàng, vườn hoa hồng muôn màu sắc khoe mình dưới trời đông, trông như một tấm vải bông phủ trùm khoảng sân rộng lớn của nhà hàng. Hiện cảnh trước mắt làm cho tôi dâng lên một thoáng hoài niệm về thời chinh chiến năm xưa. Ngày đó, Tôi mới ra trường về trình diện đơn vị xong, chưa kịp làm quen thổ khí là phải lên đường hành quân tăng phái cho tỉnh Định Tường, giữ an ninh vùng Mỹ An và Thiên Hộ: Nơi tiếp giáp với Miên, để ngăn chận cộng sản đưa quân từ Cao Miên qua biên giới, nhằm tăng viện cho các tiểu đoàn địa phương của chúng để chuẩn bị những cuộc tấn công vào các tiểu khu thuộc vùng IV của Việt Nam Cộng Hòa. Đơn vị Tôi lúc đó đóng quân dọc theo dòng sông Mỹ An. Cũng buổi trưa của thời tiết tháng mười một, cơn gió heo may lành lạnh giống như hôm nay, nhè nhẹ thổi qua dãy lục bình trên dòng sông, chạy dài xa xăm tận cuối sông một vùng tím ngắt. Mới đây! Thoáng qua đã hơn 40 năm, nữa chốn trần ai của đời người hưởng được đại thọ, mà Tôi tưởng chừng vừa mới hôm qua! Ngẫm nghĩ cuộc đời là phù du trần thế, như nước chảy mây trôi, khiến lòng Tôi bật lên tiếng thờ dài. Nghe tiếng thở dài, Nó nhìn Tôi khẻ hỏi:
- Mầy có tâm sự hả?
- Chỉ một giây phút bi quan về cuộc đời: Đời là bể khổ! Như Phật Giáo đã khuyên dạy chúng sinh làm lành lánh dữ, thật thà ngay thẳng!
       Nó gật đầu đồng ý về triết lý nhân sinh của Phật Giáo, rồi quay sang hỏi tôi:
- Mầy đã kể cho tao nghe về tệ trạng sinh hoạt hội đoàn của người Việt Quốc Gia ở Nam Úc! Thế thì tại sao có những người như ông chủ tịch hội lính già Nam Úc, ông tổng giám đốc Sài Gòn Press, ông Thầy Kiện khoác chiếc áo: Nguyên luật sư tòa thượng thẩm Sài Gòn...v..v.. Họ chạy theo hư danh phù du để làm chi mà tạo thêm nhiều nghiệp chướng! Họ phải gian dối để thắng cử, phải lừa đảo để có ảo danh, cho vay cắt cổ để làm giàu!
        Nó cúi mặt suy nghĩ một lúc rồi nói tiếp:
- Danh lợi ví như bèo trôi mà thôi!
- Có hiểu được chân lý nầy mới thoát được vòng danh lợi phù du ảo ảnh.
      Tôi đưa Nó về nhà đứa em khi trời đã chiều, hoàng hôn ngã khuất sau đồi. Phương tây, xa xa nơi chân trời những đám mây nhuộm màu ráng chiều rực rở. Đường chiều vắng xe cộ lưu thông nên Tôi tăng ga hết tốc lực, chẳng mấy chốc chúng tôi vào trong thành phố Adelaide. Phố xá đã lên đèn.
     Xe dừng lại trước nhà, Nó bước xuống xe và bắt tay Tôi nói lời từ giã:
- Tuần tới tao về lại Việt Nam! Tình bạn tao với mầy vẫn như ngày nào! Là một thứ tình bạn kết hợp với tình yêu đất nước, tình quê hương mặn nồng... Vẫn mãi mãi trong lòng chúng ta cho đến cuối cuộc đời.
- Vâng! Chỉ có một thứ tình chân thật phát xuất nơi thiện tâm con người mới tồn tại được mãi mãi!
      Ngày Nó về lại Việt Nam, Tôi đến phi trường Adelaide tiễn Nó. Tôi đưa Nó đến tận cửa vào phi cơ rồi mới bắt tay từ giã. Lái xe từ phi trường về nhà, Tôi nghe lại bản nhạc Nó và Tôi của nhạc sĩ Song Ngọc-Vọng Châu, lòng dâng lên cảm giác bùi ngùi như có điều gì lưu luyến trong lòng Tôi:
-........  Hôm chia tay, hai đứa cùng bùi ngùi
Ngày mai Nó,Tôi trên ngưỡng cửa cuộc đời
Dặn nhau gắng vui, dù cho vành môi se khô mấy cũng mĩm cười......

Adelaide mùa đông 2014
Dương Đại Trường